TTO – Chất lượng, hiệu quả của chương trình tiêm chủng mở rộng tới đâu? Các văcxin gì hiện có trong chương trình và các văcxin sẽ được đưa vào tiêm chủng cho trẻ em?… Những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong cuộc giao lưu trực tuyến chiều nay 18-7.
Chỉ trong hai tháng 4 và 5-2017, Việt Nam ghi nhận 9 bệnh nhân bệnh bạch hầu ở ba xã của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. 2 người trong số đó đã tử vong, 8/9 người mắc bệnh chưa tiêm hoặc không rõ về tiền sử tiêm chủng.
[external_link_head]
Tính từ đầu năm đến hết tháng 5-2017, đã có 119 ca bệnh ho gà, trong đó có hai trẻ em tử vong.
Sáu tháng đầu năm 2017 cũng có 83 ca mắc viêm não Nhật Bản….
Dịch bệnh đang xảy ra ở khắp nơi, nhưng theo báo cáo của Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, năm 2016 vừa qua còn 80 huyện (trên 11% số huyện trên toàn quốc) có tỷ lệ tiêm chủng đạt dưới 90%. Các địa phương này tập trung ở hai địa bàn: các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa như Bắc Cạn, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An… và các tỉnh thành có tỷ lệ di biến động dân cư lớn như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ kéo theo nguy cơ xuất hiện dịch truyền nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng trẻ em.
Từ 14h30 – 16h30 chiều 18-7, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến “Nguy cơ bùng phát dịch bệnh nếu trẻ không được tiêm chủng”.
Ngay từ bây giờ, bạn đọc quan tâm tới chất lượng, hiệu quả của chương trình tiêm chủng mở rộng, các văcxin hiện có trong chương trình và các văcxin sẽ được đưa vào tiêm chủng cho trẻ em… có thể gửi câu hỏi cho các khách mời:
PGS-TS Dương Thị Hồng – Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư
ThS Đỗ Thiện Hải – Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư
TS Nguyễn Văn Cường – Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư.
Chào bác sĩ.
Em sắp có em bé. Bác sĩ có thể tư vấn cho em biết 1 bé từ lúc sinh ra đến 5 tuổi thì cần tiêm những lọai vacxin nào ( cả miễn phí và dịch vụ)? Thứ tự, thời gian cụ thể tuơng ứng với từng loại ra sao để đạt hiệu quả cao nhất? Em xin chân thành cảm ơn.
PGS-TS Dương Thị Hồng Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư16:17 18/07/2017
Trẻ mới sinh trong 24 giờ đầu cần được tiêm vắc xin viêm gan B, trong vòng một tháng đầu trẻ cần được tiêm vắc xin BCG phòng lao, lúc 2,3,4 tháng tuổi trẻ được tiêm vắc xin phối hợp 5 trong 1 và uống vắc xin bại liệt, lúc chín tháng tuổi trẻ được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Đây là lịch tiêm các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi.
Trẻ 12 tháng tuổi trở đi sẽ được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, vắc xin sởi- rubella. Để tiêm chủng vắc xin dịch vụ, bạn cần đến cơ sở tiêm chủng dịch vụ để tìm hiểu về các loại vắc xin phù hợp với lứa tuổi con của bạn.
Thủy Chung 14:20 18/07/2017
Có một thời gian dài chúng tôi nghĩ VN đã thanh toán được các căn bệnh như sởi, ho gà. Tuy nhiên rải rác gần đây lại thấy thông tin về bệnh. Theo các ông thì lý do vì sao bệnh lại quay trở lại? Mức độ nguy hiểm của việc này ra sao?
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư16:10 18/07/2017
Ở VN nhờ triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng trên phạm vi toàn quốc từ 1985 đến nay và liên tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao trên 90% trong nhiều năm, số mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc xin đã giảm đáng kể, nước ta đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đến nay vẫn tiếp tục duy trì thành quả này.
Thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Ví dụ như bệnh sởi đã giảm 3010 lần (so sánh 2016 với 1984) và ho gà giảm 844 lần cùng thời gian này.
Tuy nhiên hàng năm vẫn còn khoảng 5-10% trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đủ mũi. Những trẻ này không có đủ miễn dịch phòng bệnh, vì vậy có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là rất cần thiết, sẽ giúp trẻ phòng bệnh.
Hải Quân 14:23 18/07/2017
Việc bảo quản vắc xin gần đây được thực hiện như thế nào? Liệu bảo quản vắc xin bằng các phích lạnh có đảm bảo tiêu chuẩn?
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư16:03 18/07/2017
Chương trình tiêm chủng mở rộng ở VN đã thiết lập được hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin từ tuyến T.Ư, khu vực, tỉnh, huyện, xã. />
Kho lạnh tuyến T.Ư, khu vực được trang bị buồng lạnh, có thiết bị theo dõi nhiệt độ tự động.
Kho lạnh tuyến tỉnh, huyện được trang bị tủ lạnh chuyên dụng, theo dõi nhiệt độ bảo quản bằng nhiệt kế và thiết bị ghi nhiệt độ tự động.
Tuyến xã được trang bị phích vắc xin để phù hợp với số lượng bảo quản và vận chuyển. Theo dõi nhiệt độ bảo quản bằng nhiệt kế.
Dù bảo quản vắc xin trong tủ lạnh, buồng lạnh hay phích vắc xin thì vắc xin đều được bảo quản ở nhiệt độ theo quy định. Vắc xin trong suốt quá trình vận chuyển, bảo quản, sử dụng đều ddwwojc kiểm tra theo dõi nhiệt độ thường xuyên.
Hệ thống dây chuyển lạnh của VN định kỳ 3-5 năm được đánh giá bởi các chuyên gia quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới và UNICEF đều đạt yêu cầu và được chuyên gia xếp mức điểm gần như tối đa.
Hoàng Vy 14:16 18/07/2017
Những năm qua vắc xin ngừa viêm gan B đã được triển khai rộng, tuy nhiên tỷ lệ tiêm mũi vắc xin trong 24 giờ đầu sau sinh xuống thấp vì lý do gì? Nếu các cháu sơ sinh được tiêm chủng ngay trong 24 giờ đầu thì hiệu quả phòng bệnh có khác hay không?
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:57 18/07/2017
Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh tại một số địa phương còn thấp, đặc biệt tại những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi có tỷ lệ đẻ tại nhà cao. Một số người bao gồm cả cán bộ y tế còn e ngại về các phản ứng sau tiêm chủng cũng là nguyên nhân làm cho tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh thấp. Những năm gần đây chúng ta mới chỉ đạt được tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh đạt khoảng 70%.
Tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh để phòng sự lây truyền từ mẹ sang con, khoảng 90% các ca mắc viêm gan B ở trẻ nhỏ là do lây truyền từ mẹ sang con, viêm tiêm vắc xin sớm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh sẽ có hiệu quả bảo vệ phòng lây truyền từ mẹ sang con từ 80-95%, đồng thời còn giúp trẻ sớm được bảo vệ phòng lây truyền viêm gan B từ các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc từ các trẻ khác qua tiếp xúc qua vết xước chảy máu
Nga Nguyen 14:39 18/07/2017
Em bé của em được 9 tháng, cách đây 3 tháng cháu có tiêm 2 mũi, trong đó có 1 mũi vacxin chống cúm. Do bác sĩ ưu tiên tiêm vacxin phế cầu trước nên mũi tiêm cúm thứ 2 cháu không được tiêm. Tới tháng này cháu được 9 tháng phải tiêm mũi vacxin ngừa sởi (20/7) và mũi vacxin Cúm (19/7). Xin hỏi bác sĩ 2 mũi tiêm này gần nhau như vậy có ảnh hưởng gì không? (về tác dụng của thuốc và sức khỏe của cháu), Xin các bác sĩ vui lòng cho em biết?
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:49 18/07/2017
Trong cùng một buổi tiêm chủng trẻ có thể được tiêm chủng nhều loại vắc xin khác nhau nếu đúng lịch. Cháu nhà bạn có thể tiêm vắc xin phòng sởi và vắc xin cúm vào hai ngày tiêm chủng gần nhau mà không ảnh hưởng đến sức khỏe và tác dụng của vắc xin. Tuy nhiên cháu sẽ được thăm khám để có chỉ định tiêm chủng phù hợp trước khi tiêm chủng.
Yêu Hà Nội 14:22 18/07/2017
Những mùa đông xuân gần đây có tình trạng các bệnh như thủy đậu, quai bị… xuất hiện khá nhiều và có cả ở người lớn. Có nên đi tiêm ngừa những bệnh này hay không? Có trường hợp bệnh ghi nhận ở người đã tiêm ngừa thì lý do vì sao?
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:44 18/07/2017
Người lớn nếu chưa được tiêm chủng hoặc chưa có miễn dịch phòng bệnh thì đều có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc với mầm bệnh. Những người có nguy cơ mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch phòng bệnh thì cần tiêm chủng.
Mai Thanh Toàn 13:10 18/07/2017
Cn tôi hiện giờ là 4 tuổi rưỡi. Từ khi sinh cho đến 9 tháng tôi chích ngừa đầy đủ (chích dịch vụ 5 hay 6 trong một gì đó), sau đó do mất sổ chích ngừa và kinh tế eo hẹp nên tôi không chích nhắc lần nào. Nay tôi muốn chích ngừa cho bé thì chích nhắc ở đâu và chích những gì. Tiện đây cho tôi hỏi con lớn tôi được 10 tuổi, chích ngừa đầy đủ cho đến lên 3, vậy có cần chích thêm gì không. Xin chân thành cám ơn.
PGS-TS Dương Thị Hồng Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:41 18/07/2017
Chị đã đưa cháu đi tiêm chủng đầy đủ khi trẻ dưới 1 tuổi theo lịch tiêm chủng của chương trình tiêm chủng mở rộng, về cơ bản là đã phòng chống được 8 bênh truyền nhiễm nguy hiểm là lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, sởi. Khi trẻ trên một tuổi thì cháu cần được tiêm các mũi tiêm nhắc lại để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản B. Vì vậy, chị cần đưa cháu đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và tư vấn lịch tiêm chủng cho cháu phù hợp.Ngoài các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các cháu cũng cần được tiêm chủng các vắc xin khác để chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Hoàng Hạ 14:24 18/07/2017
Tổ chức tiêm chủng ngoại trạm có đảm bảo an toàn hay không thưa ông?
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:35 18/07/2017
Theo quy định tại nghị định 104 ngày 0972219297, việc tổ chức tiêm chủng lưu động ngoài trạm được áp dụng khi triển khai tiêm chủng mở rộng tại các vùng khó khăn hoặc tiêm chủng chống dịch. Việc tiêm chủng ngoài trạm hoặc tại các cơ sở y tế đều phải đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực theo các quy định về tiêm chủng an toàn.
Kim Như 14:13 18/07/2017
Người quen của tôi đã tiêm một mũi vắcxin ngừa viêm não Nhật Bản nhưng vẫn mắc bệnh, vậy tiêm mấy mũi thì đảm bảo phòng bệnh, thưa ông?
[external_link offset=1]
PGS-TS Dương Thị Hồng Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:35 18/07/2017
Để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh cao nhất, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Lịch tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng được khuyến cáo như sau: mũi 1 cho trẻ từ 12 tháng tuổi, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu một tuần, mũi 3 cách mũi 2 một năm. Nếu tiêm chủng không đấy đủ trẻ sẽ không được bảo vệ phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
Vì vậy, trẻ từ 1-5 tuổi cần được sớm tiêm chủng đủ ba mũi tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo lịch tiêm chủng nêu trên.
Hoài Trang 14:21 18/07/2017
Bệnh truyền nhiễm gây dịch nào hiện nay là nguy hiểm nhất và các biện pháp đang được áp dụng để phòng ngừa căn bệnh này?
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:32 18/07/2017
Mặc dù VN đã thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh nhưng vẫn còn lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây thành dịch như sởi, bạch hầu, ho gà… Để phòng các bệnh này, tiêm chủng vắcxin là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Đây cũng là những bệnh có vắcxin ngừa trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Minh Anh 14:09 18/07/2017
Những vắcxin đã có trong chương trình tiêm chủng mở rộng liệu đã đảm bảo đủ phòng các bệnh truyền nhiễm hay chưa, thưa ông bà?
PGS-TS Dương Thị Hồng Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:29 18/07/2017
Hiện nay có khoảng 30 loại vắcxin phòng bệnh truyền nhiễm. Tùy theo tình hình dịch tễ, gánh nặng bệnh tật mà mỗi Quốc gia sẽ lựa chọn những vắcxin để triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm mục đích đạt được tỷ lệ miễn dịch cao trong cộng đồng để phòng bệnh.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam đã được triển khai hơn 30 năm, hiện có 10 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắcxin được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Đây là những vắcxin phòng những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tỷ lệ mắc và tử vong cao, đặc biệt ở trẻ nhỏ bao gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib, bại liệt, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản. Ngoài các vắc xin hiện nay trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, còn có một số loại vắcxin khác cũng cần được tiêm chủng cho trẻ như vắcxin phòng bệnh tiêu chảy rota virút, viêm phổi do phế cầu, cúm, thủy đậu, ….
Các bà mẹ cần đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng và được miễn phí. Đồng thời, cũng khuyến cáo các bà mẹ đưa con đi tiêm chủng thêm các vắcxin phòng bệnh truyền nhiễm khác tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để trẻ được bảo vệ sức khoẻ tốt hơn
Thùy Mai 14:15 18/07/2017
Xin hỏi tiêm vắcxin dạng phối hợp thì hiệu quả có tương đương vắcxin đơn không?
PGS-TS Dương Thị Hồng Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:28 18/07/2017
Việc sử dụng vắcxin phối hợp để phòng nhiều bệnh truyền nhiễm cho trẻ là thành tựu của công nghệ sinh học. Việc sử dụng vắcxin phối hợp hoàn toàn có tác dụng phòng bệnh như vắcxin đơn giá, đồng thời vừa giảm số mũi tiêm phòng bệnh cho trẻ góp phần đảm bảo an toàn tiêm chủng cũng như tiết kiệm thời gian cho các bậc cha mẹ phải đưa trẻ đi tiêm chủng nhiều lần nếu sử dụng vắcxin đơn giá.
Để phòng chống các bệnh truyền nhiễm cho con mình, các bậc cha mẹ cần tuân thủ lịch tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch.
Nguyen Hue Anh 14:46 18/07/2017
Con tôi sinh tháng 12-2013. Cháu tiêm Pentaxim được 3 mũi, đến mũi 4 thì do có một giai đoạn thiếu vắcxin nên cháu không được tiêm. Hiện nay cháu có cần phải tiêm bổ sung không? Cảm ơn ạ!
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:28 18/07/2017
Vì bất cứ lý do gì nếu cháu không được tiêm đủ mũi, đúng lịch thì cháu cần phải tiêm bổ sung để đảm bảo có đủ miễn dịch phòng bệnh. Cháu không cần tiêm lại từ đầu mà chỉ cần tiêm bổ sung mũi tiêm còn thiếu.
Tuyết Lan 14:16 18/07/2017
Bộ Y tế có đang chuẩn bị đưa vắcxin nào mới vào chương trình hay không?
PGS-TS Dương Thị Hồng Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:24 18/07/2017
Việc mở rộng đưa thêm các vắcxin vào tiêm chủng mở rộng là cần thiết, tạo thêm cơ hội để nhiều trẻ được phòng bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, mỗi quốc gia cần xem xét gánh nặng bệnh tật, tính khả thi như nguồn cung ứng vắcxin, khả năng tài chính….
Trong những năm tới đây, chương trình tiêm chủng mở rộng VN sẽ triển khai thêm vắcxin IPV (vắcxin bại liệt tiêm) nhằm đảm bảo miễn dịch cho trẻ em phòng virút bại liệt tuyp 2 và duy trì thành quả thanh toán bại liệt. Những vắcxin được sản xuất trong nước như vắcxin rota để phòng bệnh tiêu chảy do rota virút có thể đươc xem xét sử dụng trong tiêm chủng mở rộng trong tương lai.
Do Hoang Quynh 15:13 18/07/2017
Con trai tôi 6 tuổi, từ năm 3 tuổi đến nay cháu bị sốt xuất huyết 2 lần. Liệu cháu còn có thể bị nữa không? Tôi phải làm sao đề phòng cho cháu, vì rõ ràng nhà tôi ở TP rất ít khi thấy muỗi, thỉnh thoảng có dẫn cháu đi về quê hoặc Thảo cầm viên chơi mới bị muỗi cắn. Cảm ơn BS!
ThS Đỗ Thiện Hải Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư 15:25 18/07/2017
Sốt xuất huyết là bệnh không có miễn dịch bền vững nên trẻ có thể bị mắc lại. Cách phòng bệnh tốt nhất là không để cho trẻ bị muỗi đốt kể cả ở nhà, đi chơi, ở trường.
Phạm hồng khoa 09:28 18/07/2017
Con tôi năm nay 9 tuổi, bị mất sổ theo dõi tiêm chủng,không biết đã tiêm ngừa và còn thiếu những liều nào. Vậy xin hỏi BS phải làm sao?
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:21 18/07/2017
Khi trẻ được tiêm chủng tại các cơ sở y tế thì trong sổ ghi chép tại các cơ sở y tế đều ghi rõ tên và các mũi tiêm chủng trẻ đã được tiêm tại cơ sở y tế. Nếu trẻ bị mất sổ tiêm chủng cá nhân thì gia đình có thể đến các cơ sở y tế đã tiêm chủng cho cháu để tìm hiểu lịch sử tiêm chủng của cháu và bổ sung những mũi còn thiếu.
Nguyen Thien 15:15 18/07/2017
Tôi được chẩn đoán bị virus siêu vi B dạng người lành mang mầm bệnh. Lúc sinh con, bệnh viện hết vacxin nên đã không tiêm ngay cho cháu trong 24h đầu tiên sau sinh. Vậy cháu có thể bị lây …
ThS Đỗ Thiện Hải Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư15:22 18/07/2017
Nếu tiêm được vắc xin cho trẻ trong vòng 24h đầu sau sinh thì sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh. Bạn có thể đưa trẻ đến các phòng khám để xét nghiệm xem trẻ có bị nhiễm virus viêm gan B hay không?
Trịnh Thị Ngọc Nhân 14:33 18/07/2017
Cháu nhà em năm nay được hai tuổi rồi mà chưa có tiêm ngừa gì hết thì có sao không? Nếu bây giờ đưa đi tiêm thì cần tiêm mũi gì trước tiên, mong được tư vấn.
PGS-TS Dương Thị Hồng Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:19 18/07/2017
Trẻ nhỏ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Con bạn đã hai tuổi mà chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh là cháu đã bị bỏ lỡ cơ hội phòng một số bệnh truyền nhiễm như bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viên gan B, viêm màng não mủ do vi khuẩn HIb, sởi, rubella, viên não Nhật Bản B trong tiêm chủng mở rộng.
Nếu cháu mắc những bệnh này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như nếu mắc bệnh bại liệt sẽ để lại di chứng liệt suốt đời, mắc bệnh viên não Nhật Bản B sẽ để lại di chứng thần kinh, tâm thần….Vì vậy, cháu cần được tiêm chủng bổ sung những vắcxin này tại các trạm y tế xã phường hoặc các điểm tiêm chủng dịch vụ. Chị hãy đưa con đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn và có lịch tiêm chủng cụ thể cho cháu càng sớm càng tốt.
Mai Công 14:21 18/07/2017
Có một thời gian dài tiêm chủng là niềm tin tuyệt đối với nhân dân, nhưng gần đây thì cũng có cha mẹ lưỡng lự có nên tiêm hay không. Theo ông bà, vậy có nên tiêm chủng hay không và những bằng chứng rõ rệt nhất về hiệu quả của tiêm chủng?
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:17 18/07/2017
Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Nhờ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, thế giới đã thanh toán được bệnh đậu mùa vào năm 1980. Hiện nay toàn cầu đang nỗ lực tiến tới thanh toán bệnh bại liệt polio, hiện chỉ còn lưu hành ở hai quốc gia là Pakistan và Afganistan.
Thành quả tiêm chủng mở rộng của VN trong 30 năm qua là thanh toán bệnh bại liệt năm 2000 và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh năm 2005. Nếu so sánh năm 2016 với năm 1984 trước khi triển khai tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc các bệnh trong tiêm chủng mở rộng/100.000 dân giảm rõ rệt: Bệnh bạch hầu giảm 410 lần, bệnh ho gà giảm 844 lần, bệnh sởi giảm 3010 lần…
Các bà mẹ hãy đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để bảo vệ trẻ phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Phạm Minh Trí 07:26 18/07/2017
Chào các bác sĩ và chuyên gia, tôi muốn hỏi về 2 vấn đề: 1/ Các vacxin gì sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng?2/ Chương trình tiêm chủng mở rộng có cần phải bổ sung thêm vacxin nào không?
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:07 18/07/2017
Hiện tại trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở VN đã có 12 loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em, bao gồm vắc xin phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan siêu vi B, bại liệt, sởi, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn.
Dự kiến trong thời gian tới, sẽ bổ sung thêm vắc xin bại liệt tiêm (IPV) trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ngoài các vắc xin kể trên, nếu gia đình có điều kiện thì cho trẻ đi tiêm các vắc xin khác trong tiêm chủng dịch vụ.
Việt Thái 14:26 18/07/2017
Cháu tôi đã tiêm đủ mũi vắc xin ngừa thủy đậu nhưng vẫn bị bệnh, vậy có phải do hiệu quả vắc xin thấp hay do vắc xin bảo quản không ổn định?
PGS-TS Dương Thị Hồng Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:13 18/07/2017
Khi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm thì sẽ có khoảng 90-95% số trẻ được phòng bệnh do yếu tố cơ địa, cá thể đáp ứng với vắc xin nên có khoảng 5-10% số trẻ mặc dù đã tiêm chủng nhưng vẫn chưa có miễn dịch đầy đủ để phòng bệnh.
Tuy nhiên, trẻ mắc bệnh nếu đã được tiêm vắc xin thì các biểu hiện của bệnh sẽ nhẹ hơn rất nhiều, ít ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của trẻ. Hầu hết các trẻ đã được tiêm chủng, nếu mắc bệnh sẽ không có biến chứng, di chứng và trẻ hồi phục nhanh hơn so với nhiễm bệnh tự nhiên.
Vắc xin được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng được bảo quản đảm bảo chất lượng trong hệ thống dây chuyền lạnh nên các bà mẹ hoàn toàn tin tưởng và hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ đúng lịch để phòng để bệnh cho con em mình
Vi Xuân 14:17 18/07/2017
Vì sao phải chuyển từ vắcxin bại liệt uống sang tiêm, vì uống rõ ràng là tiện dụng hơn tiêm?
PGS-TS Dương Thị Hồng Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:06 18/07/2017
Vắcxin bại liệt dạng uống là vắc xin sống, chứa các thành phần virút bại liệt được làm suy yếu nên có tỷ lệ rất nhỏ nguy cơ vi rút biến đổi và có khả năng gây bệnh do vắcxin. Mặc dù tỷ lệ này là rất hiếm nhưng trên thế giới cũng đã ghi nhận những trường hợp mắc bệnh bại liệt do virút có nguồn gốc vắcxin và thường gặp nhất là vi rút týp 2.
Tổ chức Y tế thế giới đặt mục tiêu Thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu quan trọng này, WHO yêu cầu các quốc gia cần thay thế vắcxin bại liệt 3 týp (tOPV) bằng sử dụng vắcxin bại liệt uống 2 týp (bOPV), týp 2 đã được loại bỏ khỏi vắcxin bại liệt này. Tuy nhiên để củng cố miễn dịch đối với týp 2 Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các nước sử dụng vắcxin bại liệt tiêm IPV thay thế hoặc bổ sung cùng với vắcxin bại liệt uống 2 typ bOPV.
Khi bệnh bại liệt đã được thanh toán hoàn toàn trên quy mô toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sẽ sử dụng sang vắcxin bại liệt tiêm không dùng vắcxin bại liệt uống nữa. Việc sử dụng vắcxin bại liệt tiêm sẽ đảm bảo việc duy trì thành quả thanh toán bại liệt và tuyệt đối tránh được lan truyền vi rút bại liệt trong môi trường.
Kim Anh 14:19 18/07/2017
Tiêm chủng đúng là có lợi ích. Tuy nhiên, tôi có lo ngại về phản ứng sau tiêm. Xin bà cho biết về nguy cơ tai biến sau tiêm chủng và các biện pháp đã triển khai để phòng ngừa các tai biến sau tiêm, hiệu quả của các biện pháp này?
PGS-TS Dương Thị Hồng Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:01 18/07/2017
Tại Việt Nam, trong suốt 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, với hơn 100 triệu liều vắc xin đã sử dụng, cho thấy tiêm vắc xin là an toàn. Các trường hợp phản ứng nghiêm trọng chỉ là hãn hữu.
Trường hợp tai biến nặng sốc phản vệ sau tiêm vắc xin là rất hiếm gặp (theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới là khoảng 1/0972219297 liều sử dụng). Các trường hợp sốc phản vệ nếu phát hiện sớm, xử trí kịp thời thì sẽ qua khỏi và không để lại di chứng. Hiện nay, 100% cơ sở tiêm chủng đã được trang bị đầy đủ hộp thuốc cấp cứu chống sốc để sẵn sàng xử trí cấp cứu các trường hợp sốc phản vệ (nếu có) ngay tại điểm tiêm chủng.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ các bà mẹ cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn với cán bộ y tế trong việc theo dõi và chăm sóc con sau tiêm chủng như cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau tiêm chủng, theo dõi trẻ trong 1-2 ngày đầu sau tiêm chủng, đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như khó thở, sốt cao, tím tái, phát ban….
Những phản ứng nặng sau tiêm chủng sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Đồng thời, Bộ Y tế và chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, đặc biệt là ở các vùng miền núi khó khăn nhằm tăng cường chất lượng tiêm chủng, góp phần bảo vệ sức khỏe trẻ em.
Tho truong 12:35 18/07/2017
Tôi nghe nói nếu chích phải vắc xin Trung quốc trẻ sẽ kém tăng trưởng hócmôn, khi trưởng thành sẽ nhỏ con? Xin được nghe câu trả lời.
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư15:00 18/07/2017
Tất cả các loại vắc xin đã được cấp phép sử dụng đều an toàn và đảm bảo chất lượng. Không thể nói “vắc xin Trung Quốc” là không an toàn.
Các vắc xin sử dụng trong tiêm chủng mở rộng hầu hết được sản xuất tại VN, còn lại các vắc xin nhập khẩu đều được kiểm định và cấp phép trước khi sử dụng.
Cho đến nay chúng ta chưa sử dụng vắc xin Trung Quốc nào trong tiêm chủng mở rộng.
Ngọc Hà 14:33 18/07/2017
R Con tôi đã tiêm mũi viêm não Nhật Bản từ lúc cháu còn bé, nay cháu đã lớn có cần phải tiêm mũi vắcxin nhắc lại không và cần tiêm mấy mũi? Hiệu quả vắcxin có như tiêm lúc nhỏ không?
PGS-TS Dương Thị Hồng Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư14:51 18/07/2017
Vắcxin viêm não Nhật Bản B cần được tiêm chủng cho trẻ từ 1 tuổi trở lên theo lịch tiêm mũi 1 tiêm cho trẻ vào lúc 1 tuổi, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu một tuần và mũi 3 cách mũi 2 một năm. Vắcxin viêm não Nhật Bản B được tiêm chủng miễn phí tại tất cả các trạm y tế xã phường trong toàn quốc cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi.
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, tại những vùng có lưu hành bệnh cần tiêm nhắc lại sau mỗi 3-5 năm để củng cố miễn dịch phòng bệnh.
Kinh Luân 14:21 18/07/2017
Có ý kiến cho rằng ho gà xuất hiện nhiều ở thành phố vì thành phố tiêm nhiều vắc xin ho gà vô bào, hiệu quả không tốt bằng vắc xin toàn tế bào, ý kiến này có đúng hay không?
PGS-TS Dương Thị Hồng Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư14:55 18/07/2017
Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn, có khả năng gây dịch. Bệnh lây theo đường hô hấp, biểu hiện lâm sàng bằng những cơn ho dữ dội và có nhiều biến chứng ở trẻ nhỏ.
Nhờ triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh trong 30 năm qua, bệnh ho gà tại Việt Nam đã được khống chế, tỉ lệ mắc bệnh năm 2016 đã giảm 844 lần so với trước khi triển khai.
Tuy nhiên, hàng năm trên toàn quốc vẫn ghi nhận vài chục trường hợp mắc và có xu hướng tăng trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt là sự xuất hiện hiện các ổ dịch nhỏ ở một số địa phương nơi có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch còn thấp hay ở thành phố lớn khi các bà mẹ vì tâm lý chờ đợi vắc xin dịch vụ đã không cho con đi tiêm chủng đúng lịch, tiêm chủng muộn.
Tại một số bệnh viện cũng ghi nhận một số trường hợp trẻ mắc ho gà dưới 2 tháng tuổi trước khi đến lịch tiêm chủng.
[external_link offset=2]
Hiện nay, vắc xin phòng bệnh ho gà bao gồm vắc xin ho gà toàn tế bào trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và vắc xin ho gà vô bào tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
Miễn dịch bảo vệ có được sau tiêm vắc xin ho gà toàn tế bào cao hơn so với vắc xin ho gà vô bào. Tuy nhiên, dù là vắc xin ho gà vô bào hay toàn tế bào, việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là cần thiết để tạo miễn dịch phòng bệnh ho gà tốt nhất cho trẻ.
Lưu ý với các bà mẹ nếu trẻ được tiêm vắc xin phòng bệnh với thành phần ho gà vô bào cần được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin nhắc lại khi trẻ trên một tuổi.
Lê thị thu hạnh 21:11 17/07/2017
Thưa TS, cháu nhà em vừa mới tiêm mũi petaxim 5in1 vì sợ quivaxem khi xem các trường hợp sốc thuốc, nhưng gần đây đọc tuổi trẻ thấy có ý kiến của vị bs nào đó cho rằng thuốc quivaxem dễ gây sốc, gây sốt cho trẻ vì la vacxin nguyên bào nên mạnh hơn, tốt hơn nên tôi thấy rất hoang mang. Xin TS cho ý kiến về vấn đề này. Cảm ơn rất nhiều. Đã tiêm petaxim có thể tiêm quivaxem cho đợt sau không?
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư14:53 18/07/2017
Cháu đã tiêm một mũi vắcxin Pentaxim thì có thể tiêm tiếp các mũi Quinvaxem theo lịch. Vắcxin Quinvaxem có thành phần vắc xin ho gà toàn tế bào có thể gây một số phản ứng thông thường nhiều hơn so với vắcxin ho gà vô bào. Tuy nhiên việc tiêm vắcxin có thành phần ho gà toàn tế bào và vô bào đều có tác dụng phòng bệnh cho trẻ. Chị có thể cho cháu đi tiêm vắcxin Quinvaxem miễn phí tại các cơ sở y tế ở địa phương.
Bảo Châu 14:23 18/07/2017
Tiêm ngừa lao và thời điểm nào là tốt nhất hay phải tiêm ngừa ngay sau sinh?
PGS-TS Dương Thị Hồng Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư14:46 18/07/2017
Theo điều tra dịch tễ về bệnh lao cho thấy, Việt Nam hiện là nước đứng thứ 14/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất trên thế giới, và đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc lao mới, tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO global report 2016), chỉ có 79% số người mắc được phát hiện, tư vấn, điều trị và quản lý, 21% còn lại vẫn tồn tại trong cộng đồng mà không được điều trị, khống chế nguồn lây. Như vậy, việc tiêm chủng vắcxin phòng lao cho trẻ em hay còn được gọi là vắcxin BCG để dự phòng lao sơ nhiễm là thực sự cần thiết và cần được tiêm càng sớm càng tốt. Thời gian tốt nhất cho trẻ tiêm phòng lao là thời kỳ sơ sinh trong vòng 1 tháng tuổi.
Nguyen Thao 13:52 18/07/2017
Bé nhà tôi 24 tháng, đã tiêm lao, viêm gan siêu vi B lúc mới sinh. Tiêm 3 mũi quinvaxem lúc 2,3,4 tháng tuổi. Tiêm 1 mũi Pentaxim dịch vụ lúc 23 tháng. Cho hỏi như vậy có cần chích nhắc viêm gan siêu vi B nữa không? Có cần thiết chích dịch vụ các loại vacxin não mô cầu AC, BC không? Xin cảm ơn.
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư14:48 18/07/2017
Cháu nhà bạn 24 tháng tuổi đã tiêm đầy đủ các mũi tiêm được khuyến cáo trong tiêm chủng mở rộng, ngoại trừ mũi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản và vắc xin ngừa bại liệt chưa thấy bạn nhắc đến.
Thông thường vắc xin này sẽ được uống cùng thời gian tiêm vắc xin Quinvaxem lúc 2,3,4 tháng tuổi. Vì vậy cháu không cần phải tiêm vắc xin viêm gan B nữa.
Còn tùy điều kiện của gia đình có thể tiêm vắc xin não mô cầu AC, BC trong tiêm chủng dịch vụ (vắc xin dịch vụ là phải trả tiền).
Ngọc Anh 13:56 18/07/2017
Bé 22 tháng trước khi tiêm ngừa phế cầu Synflorix đã sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid và uống kháng sinh Cefalor cách ngày tiêm 4 ngày. Và 10 ngày trước tiêm có bôi thuốc corticoid ngoài da. Khi tiêm phế cầu có ảnh hưởng gì đến vacxin không ạ?
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư14:44 18/07/2017
Tất cả các trẻ trước khi tiêm chủng đều được thăm khám để có chỉ định thích hợp đối với từng loại vắc xin. Việc thăm khám sẽ cụ thể ở từng trường hợp trẻ và bác sỹ sẽ có các chỉ định tiêm chủng phù hợp.
Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt, thuốc có thành phần corticoid ngoài da không phải là chống chỉ định trong tiêm chủng.
Tường Vy 14:12 18/07/2017
Thưa bác sĩ, khi các cháu có dấu hiệu như thế nào thì cha mẹ nghi ngờ cháu mắc ho gà, sởi, thủy đậu, quai bị và đưa đến khám sớm?
ThS Đỗ Thiện Hải Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư14:47 18/07/2017
Các triệu chứng điển hình của ho gà: ho cơn rũ rượi, đỏ mặt, có đờm trắng dai.
Triệu chứng điển hình của bệnh sởi: Sốt, viêm kết mạc, ho khan, phát ban lần lượt từ đầu đến chân.
Triệu chứng điển hình của thủy đậu: Sốt cao, viêm long đường hô hấp, có các mụn nước trên da.
Triệu chứng điển hình của quai bị: sốt, sưng tuyến mang tai (một hoặc hai bên) diễn biến xuất hiện và tăng lên rất nhanh và khi chạm vào rất đau.
Thanh Trực 14:22 18/07/2017
Có người nói họ đi nước ngoài và làm test kháng thể viêm gan B (họ đã tiêm vắcxin này rồi) nhưng được trả lời là không đạt và phải tiêm lại. Lý do vì sao có tình trạng này và liệu tình trạng này có phổ biến hay không?
PGS-TS Dương Thị Hồng Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư14:47 18/07/2017
Vắcxin viêm gan B đã được sử dụng từ năm 1982 và triển khai tại Việt Nam từ năm 1997 với 3 mũi tiêm cho trẻ lúc 2, 3 và 4 tháng dưới các dạng vắcxin đơn giá và phối hợp.
Vắcxin viêm gan B được sử dụng hiện nay hầu hết là dạng vắcxin tái tổ hợp, được chỉ định theo phác đồ tiêm 3 mũi cơ bản và 1 mũi tiêm nhắc lại. Sau 3 mũi vắcxin cơ bản, hiệu lực bảo vệ của vắc xin có thể đạt tới 95%; tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch sẽ giúp cơ thể có được hiệu quả miễn dịch tốt nhất.
Tuy nhiên, việc tạo được kháng thể bảo vệ sau tiêm vắcxin còn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng miễn dịch của từng cá thể và có khoảng 5% số trường hợp sẽ không tạo được miễn dịch phòng bệnh sau tiêm vắcxin. Đồng thời, nồng độ kháng thể bảo vệ phòng bệnh viêm gan B nói riêng và các bệnh truyền nhiễm khác nói chung sau khi tiêm chủng sẽ giảm dần theo thời gian.
Vì vậy, có thể người đã được tiêm chủng vắcxin viêm gan B nhưng khi xét nghiệm và test kháng thể viêm gan B là chưa đầy đủ miễn dịch phòng bệnh và trong trường hợp này, cần được tiêm bổ sung các mũi tiêm nhắc lại.
Trị Thiên 14:27 18/07/2017
Nếu trong nhà có người bệnh truyền nhiễm như ho, cúm, thủy đậu, quai bị…thì tránh lây cho trẻ em như thế nào?
ThS Đỗ Thiện Hải Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư14:38 18/07/2017
Khi trong nhà có người nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, như: cúm, thủy đậu, quai bị… thì có thể tránh lây bằng cách là cách li tương đối những người nghi ngờ mắc bệnh, vệ sinh mũi họng bằng dung dịch nước muối sinh lý và đi khám và tư vấn ngay khi có triệu chứng đầu tiên. Trên thực tế, nếu trong gia đình có người đã nghi ngờ mắc bệnh thì bệnh có thể đã có nguy cơ lây từ 3 đến 5 ngày trước đó. Đặc biệt là các bệnh lây lan qua đường hô hấp.
Vĩnh Hà 14:32 18/07/2017
Các nước xung quanh đều đã sử dụng vắcxin ho gà vô bào, ở Việt Nam có lộ trình đưa vắcxin này vào sử dụng trong tiêm chủng mở rộng hay không?
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư14:41 18/07/2017
Vắcxin ho gà vô bào và vắcxin ho gà toàn tế bào đều có tác dụng tiêm chủng cho trẻ em để phòng bệnh ho gà. Hiện nay ở một số nước phát triển, vắcxin ho gà vô bào được sử dụng trong tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ nhỏ, hầu hết các nước đang phát triển vẫn đang sử dụng vắcxin ho gà toàn tế bào trong tiêm chủng mở rộng.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, để đảm bảo việc cung ứng đầy đủ vắcxin và đảm bảo bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ nhỏ, thì các nước đang sử dụng vắcxin ho gà toàn tế bào chưa cần thiết phải chuyển đổi sử dụng vắcxin ho gà vô bào.
Minh Khang 14:13 18/07/2017
Nếu phát hiện được sớm thì bệnh ho gà có nhanh khỏi hay không? Cháu tôi ho đến hàng tháng, cháu còn bé nên gia đình rất xót ruột.
ThS Đỗ Thiện Hải Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư14:33 18/07/2017
Nếu phát hiện sớm, điều trị ngay từ những ngày đầu tiên thì ít nguy cơ bị nặng. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố tiên lượng nguy cơ nặng như: tuổi nhỏ dưới 3 tháng,trẻ có cơ địa đặc biệt như cơ địa dị ứng, suy giảm miễn dịch, viêm phổi kéo dài…
Bệnh ho gà có thể gây ho kéo dài đến hàng tháng nhưng triệu chứng này sẽ đỡ dần khi điều trị. Khi cơn ho ngắn dần và không tím môi thì có thể theo dõi và điều trị tại y tế cơ sở sau đó các triệu chứng giảm dần thì có thể chăm sóc tại nhà. Không nên nằm viện kéo dài vì trẻ nhỏ nằm viện kéo dài sẽ có nguy cơ mắc các nhiễm trùng bệnh viện, đặc biệt là các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh rất khó điều trị.
Thanh Mai 14:17 18/07/2017
Vì lý do gì mà dịch viêm não Nhật Bản và ho gà, bạch hầu lại xuất hiện trong thời gian qua, dù bệnh này đã có vắcxin ngừa?
TS Nguyễn Văn Cường Chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư14:34 18/07/2017
Vắcxin phòng bệnh bạch hầu, ho gà đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Lịch tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi là 3 mũi lúc 2,3 và 4 tháng tuổi. Trẻ được tiêm nhắc lại vào lúc 18 tháng, đây là các mũi tiêm cơ bản để phòng bệnh cho trẻ nhỏ. Nếu trẻ không được tiêm chủng đúng lịch hoặc tiêm chủng đầy đủ thì trẻ rất dễ bị mắc bệnh.
Vắcxin phòng bệnh viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng được tiêm chủng miễn phí cho trẻ từ 12 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi. Trong khoảng thời gian này trẻ sẽ được tiêm 3 mũi. Các đối tượng không được tiêm đủ mũi hoặc tiêm chậm theo lịch tiêm chủng thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc với mầm bệnh. Vì vậy mới xuất hiện các ca bệnh rải rác do trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm muộn.
Đang Lo Lắng 14:29 18/07/2017
Tôi nghe nói trẻ bị quai bị lúc nhỏ sau này có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Điều đó đúng không thưa bác sĩ?
ThS Đỗ Thiện Hải Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư14:35 18/07/2017
Trẻ mắc quai bị nếu được phát hiện và điều trị sớm không có biến chứng viêm tinh hoàn hoặc viêm buồng trứng thì thường không ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản.
Tran Manh 14:14 18/07/2017
Các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan nhiều nhất trong mùa này là bệnh nào, thưa bác sĩ?
ThS Đỗ Thiện Hải Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư14:27 18/07/2017
Ở thời điểm hiện tại là mùa hè thường là mùa của các bệnh như: viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết. Cả hai bệnh này đều có nguy cơ lây lan rất cao.
Minh Quan 14:15 18/07/2017
Trước đây sởi, ho gà không hiếm nhưng theo kinh nghiệm của cha mẹ chúng tôi là không nặng như các cháu mắc bệnh thời gian qua, vì sao lại có tình hình như vậy thưa ông?
ThS Đỗ Thiện Hải Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư14:25 18/07/2017
Thực tế, bệnh sởi thì không nặng nhưng các biến chứng sau khi mắc sởi thì sẽ rất nặng và tỉ lệ tử vong cao.
Các biến chứng này có thể do nhiều nguyên nhân, như: việc chăm sóc trẻ không đúng cách (vệ sinh cá nhân cho trẻ và chế độ dinh dưỡng cho trẻ khi mắc bệnh); môi trường vệ sinh không tốt, đông dân cư, chật chội; thời tiết ( một số điều kiện thời tiết như độ ẩm không khí cao, không có nắng sẽ là điều kiện thuận lợi để cho các mầm bệnh là virus, vi khuẩn phát triển gây biến chứng cho trẻ); hệ miễn dịch không tốt (suy giảm miễn dịch).
Trẻ đang mắc bệnh khác mà lại mắc thêm sởi thì bệnh sẽ diễn biến nặng và nguy cơ biến chứng cao hơn.
Minh Be 14:15 18/07/2017
Để phòng các bệnh truyền nhiễm cho con mình thì biện pháp nào là hiệu quả nhất thưa bác sĩ? Việc đeo khẩu trang khi ra ngoài đường có tác dụng gì không?
ThS Đỗ Thiện Hải Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư14:20 18/07/2017
Biện pháp hiệu quả nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm là tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể trẻ bằng cách cho trẻ ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe và tiêm chủng đầy đủ các bệnh đã có vắc xin. Việc đeo khẩu trang chỉ có thể phòng được các bệnh lây qua đường hô hấp.
Dự án TCMR
Tổng hợp theo Báo Tuổi trẻ
[external_footer]